Album hình ảnh

An toàn thực phẩm cho người tiêu dùng.

8 năm trước
 Mục tiêu chính của các hoạt động nhân ngày Quyền của người tiêu dùng là Nâng cao nhận thức toàn cầu về các vấn đề của người tiêu dùng. 

Chủ đề của WCRD 2016 là Loại bỏ kháng sinh khỏi các món ăn.

Thi hành Quyết định số 1035/QĐ-TTg ngày 10/7/2015 của Thủ tướng Chính Phủ “Về Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam”, kể từ năm nay Ngày 15 tháng 3 cũng được lấy là Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam (Vietnam Consumer Right Day – VCRD).

Căn cứ chủ đề Ngày Quyền của người tiêu dùng thế giới năm 2016 do Tổ chức Người tiêu dùng quốc tế (CI) đưa ra liên quan đến vấn đề “Kháng kháng sinh” (ABR): Loại bỏ kháng sinh khỏi món ăn và thực tế nổi cộm về an toàn thực phẩm tại Việt Nam trong những năm gần đây và hiện nay, Trung ương Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam – (VINASTAS) đã chọn chủ đề của các hoạt động cho VCRD năm 2016 là “An toàn thực phẩm”.

Không một ai trong chúng ta, không thể không lo ngại cho sức khỏe, sự an toàn của bản thân, gia đình và cộng đồng, khi chúng ta hàng ngày, được thông tin, được biết đến những thực phẩm không an toàn vẫn được nuôi, được trồng, sản xuất và chế biến: đồng ruộng vẫn phun thuốc trừ sâu, sử dụng các chất kích thích không đúng, sản phẩm tồn dư hóa chất độc hại, bẩn, nhiễm khuẩn; sử dụng chất tạo nạc trong chăn nuôi, hóa chất, chất tẩy trắng, kháng sinh trong chế biến, thịt bốc mùi ôi thối...Tất cả các sản phẩm thực phẩm đó vẫn lưu thông, cung cấp ra thị trường. Các nhà hàng, các nhà cung cấp suất ăn cho các bếp ăn tập thể của doanh nghiệp, nhà trẻ, trường học, các quán ăn nhanh, quán ăn vỉa hè vẫn sử dụng các thực phẩm được cung cấp. Vì cuộc sống và hoàn cảnh, nhiều người tiêu dùng vẫn đang dùng và phải dùng. Chính vì vậy vẫn có các vụ ngộ độc, ngộ độc tập thể xảy ra thường xuyên: theo thống kê của Cục ATTP, Bộ Y tế chỉ riêng năm 2014 thì 5100 người bị ngộ độc thực phẩm, trong đó 4100 người nhập viện, 43 người đã thiệt mạng trong 189 vụ ngộ độc tập thể. Hàng trăm ngàn người vẫn mắc ung thư hàng năm: theo số liệu công bố trong Hội thảo khoa học ung biếu quốc gia năm 2013 có 150 ngàn người mắc ung thư mới và 75 ngàn người đã bị chết, nguyên nhân chủ yếu (90%-95%) do lối sống và môi trường. Bệnh viện luôn quá tải. Sinh mạng con người vẫn luôn có một mối nguy cơ là mất An toàn thực phẩm. Tất cả vẫn chưa có biện pháp hiệu quả để khắc phục.

VINASTAS nhân ngày WCRD/VCRD, cùng với các Hội thành viên trong toàn quốc bằng các hoạt động cụ thể: diễn đàn, mít tinh, hội thảo, treo băng rôn, khẩu hiệu, diễu hành nhằm nâng cao sự quan tâm, hiểu biết và trách nhiệm của mỗi người tiêu dùng liên quan đến các vấn đề ATTP.

VINASTAS xin gửi kiến nghị tới các cơ quan Đảng, Chính phủ và các cơ quan quản lý các cấp tăng cường hơn nữa các thể chế, đặc biệt là biện pháp thực thi pháp luật một cách hiệu quả để hạn chế tối đa và ngăn ngừa việc sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm không an toàn cung cấp cho người tiêu dùng;

Chúng tôi kêu gọi các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân hãy vì lợi ích lâu dài của mình, nêu cao trách nhiệm xã hội với người tiêu dùng: thực hiện các quy trình sản xuất, nuôi trồng, chế biến chuẩn mực theo quy định và chỉ đưa ra thị trường, cung cấp thực phẩm, thức ăn có dinh dưỡng lành mạnh và an toàn cho người tiêu dùng;

Chúng tôi yêu cầu các công ty chế biến cung cấp các khẩu phần ăn cho các bếp ăn tập thể, các công ty, nhà hàng, các công ty nước ngoài như McDonald’s, KFC, Lotte, Subway… kinh doanh tại Việt Nam phải có cam kết về ATTP, không sử dụng kháng sinh, không sử dụng thực phẩm không an toàn, thực phẩm được sản xuất có sử dụng kháng sinh và lọai bỏ kháng sinh khỏi các món ăn cung cấp cho người tiêu dùng.

Mỗi người tiêu dùng hãy nâng cao hiểu biết về ATTP và kiến thức về tiêu dùng, hãy sử dụng tốt nhất quyền lựa chọn: lựa chọn các thực phẩm có nguồn gốc xuất xứ, tin cậy và an toàn. Hãy góp sức mình vào cuộc đấu tranh với các hành vi sản xuất, kinh doanh thực phẩm không an toàn.

Các tổ chức xã hội, các cơ quan thông tin đại chúng hãy góp phần tích cực hơn nữa vào cuộc đấu tranh vì ATTP.