Tiêu chuẩn

Sửa đổi Luật TC&QCKT nhằm giảm thiểu các rào cản kỹ thuật trong thương mại, thuận lợi hóa thương mại

7 tháng trước

Mới đây, tại TP. Hồ Chí Minh, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường phối hợp với Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức Hội thảo lấy ý kiến góp ý với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật.

Sửa đổi Luật TC&QCKT nhằm giảm thiểu các rào cản kỹ thuật trong thương mại, thuận lợi hóa thương mại

Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Thị Kim Anh phát biểu tại hội thảo

Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Thị Kim Anh; Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Lê Xuân Định; Phó Tổng thư ký, Trưởng ban Pháp chế - VCCI Đậu Anh Tuấn đồng chủ trì Hội thảo.

Về phía Hội Khoa học và Kỹ thuật về Tiêu chuẩn và Chất lượng Việt Nam có Nguyễn Thành Hiển, Chi cục trưởng, Chi cục Quản lý Chất lượng hàng hóa miền Nam, Ủy viên Ban chấp hành Hội tham dự và đóng góp ý kiến tại hội nghị.

Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2007. Sau hơn 15 năm thi hành, Luật đã tạo hành lang pháp lý, nâng cao chất và lượng các hoạt động trong lĩnh vực tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; góp phần thúc đẩy nâng cao năng suất chất lượng, năng lực sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa chủ lực của Việt Nam.

Tuy nhiên, thực tiễn quá trình thi hành Luật cho thấy, đã phát sinh một số hạn chế, bất cập cần sửa đổi để phù hợp với các thông lệ quốc tế, đáp ứng yêu cầu khách quan của thực tiễn sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Thị Kim Anh cho biết, việc sửa đổi, bổ sung Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật. Đồng thời, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật cũng như sự tương thích giữa quy định của pháp luật hiện hành của Việt Nam với các Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) thế hệ mới, đặc biệt là các quy định liên quan đến minh bạch hóa, giảm thiểu các rào cản kỹ thuật trong thương mại, thuận lợi hóa thương mại.

Tại hội thảo, nhiều ý kiến đề nghị cần làm rõ một số vấn đề, như: Cơ quan tiêu chuẩn hóa quốc gia; vấn đề xã hội hóa hoạt động xây dựng, áp dụng tiêu chuẩn; tiếp cận thông tin về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và trong hoạt động quản lý, khai thác tiêu chuẩn… Rà soát kỹ lưỡng, cụ thể hóa, bảo đảm tính thống nhất của các thuật ngữ về tiêu chuẩn, quy chuẩn trong Luật với các điều ước quốc tế và các FTA mà Việt Nam đang tham gia, bảo đảm khi áp dụng có sự chính xác, rõ ràng, thể hiện tính quốc tế nhưng có sự chuẩn hóa của Việt Nam. Điều này nhằm tránh các cách hiểu, vận dụng các thuật ngữ kỹ thuật chuyên môn khác nhau trong quá trình thực thi.

Về xây dựng các tiêu chuẩn quy chuẩn kỹ thuật, nhiều ý kiến cho rằng, phải xuất phát từ thực tế nền kinh tế và sự hội nhập kinh tế quốc tế để tăng tính cạnh tranh của quốc gia và doanh nghiệp. Bên cạnh đó, bảo đảm sự minh bạch hóa các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và phù hợp với xu hướng quốc tế sẽ tăng tính cam kết về hàng rào kỹ thuật trong thương mại của các FTA đối với sản phẩm hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam.

Nhấn mạnh vai trò quan trọng của việc nhận thức đúng đắn về tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, không chỉ đối với quản lý nhà nước mà còn cho các tổ chức sản xuất kinh doanh và người tiêu dùng, Ủy viên thường trực Nguyễn Thị Kim Anh đánh giá cao những ý kiến đóng góp của các đại biểu tại khu vực phía Nam nói chung và TP. Hồ Chí Minh nói riêng. Đây là những ý kiến đóng góp rất tâm huyết, trọng tâm, Ban soạn thảo sẽ tiếp thu, nghiêm túc nghiên cứu để sớm hoàn thiện dự án Luật.

Trước đó, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội khảo sát phục vụ thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật tại Bộ Thông tin và Truyền thông.

Tại hội nghị, Ông Nguyễn Khắc Lịch, Vụ trưởng Vụ Khoa học - Công nghệ, Bộ Thông tin và Truyền thông đưa ra 7 khó khăn, vướng mắc mà ngành TT&TT gặp phải khi áp dụng Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật và 8 giải pháp kiến nghị của Bộ TT&TT nhằm sửa đổi, bổ sung Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật để giải quyết các tình huống, yêu cầu, về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật phục vụ yêu cầu quản lý thực tiễn; thúc đẩy áp dụng trực tiếp, viện dẫn trực tiếp tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực, tiêu chuẩn nước ngoài; đơn phương thừa nhận kết quả thử nghiệm, chứng nhận của nước ngoài để giải quyết các tình huống đánh giá sự phù hợp tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật khi năng lực trong nước còn hạn chế; cơ chế phối hợp giữa các Bộ, ngành trong hoạt động tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật mang tính liên ngành,...

Đề xuất với Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, đại diện Cục Viễn thông cho biết, hiện nay có nhiều dịch vụ mới phát sinh trên hạ tầng số như AI. Đây là những dịch vụ không chỉ nằm trong quản lý nhà nước của Bộ TT&TT mà còn của các bộ khác, ví dụ AI ứng dụng trong y tế sẽ liên quan đến Bộ Y tế, thậm chí cả các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia. Những thiết bị mới như tủ lạnh thông minh, đo huyết áp từ xa cũng cho thấy sự tích hợp nhiều ngành nghề trong một sản phẩm. Do đó, cần có quy định về ban soạn thảo Luật liên ngành để xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn đáp ứng được nhu cầu thực tế.

 

 


Đóng góp & Phản hồi bài viết:

Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu để được rõ nghĩa hơn.

Các bài viết khác