Album hình ảnh

Vụ rượu-Thực phẩm chức năng: Quản nghiêm nhưng không làm khó DN

9 năm trước
Ông Trần Quang Trung - Cục trưởng Cục ATTP (Bộ Y tế).

Đảm bảo quyền lợi cho doanh nghiệp


Ngày 19/5, ông Trần Quang Trung – Cục trưởng Cục ATTP (Bộ Y tế) cho biết, Cục đã ra quyết định xử phạt hành chính đối với 7 công ty vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm. Tổng số tiền xử phạt hành chính đối với 7 công ty nói trên là 156 triệu đồng.

Cùng với việc xử phạt bằng hình thức phạt tiền, thu hồi giấy xác nhận công bố sản phẩm, Cục ATTP đã buộc các cơ sở vi phạm dừng ngay hành vi vi phạm; tháo gỡ các nội dung quảng cáo sai quy định, cải chính trên phương tiện thông tin đại chúng.

Bên cạnh đó, những công ty trên cũng phải dừng lưu thông, thu hồi, tiêu hủy lô sản phẩm không đạt; thu hồi sản phẩm vi phạm về ghi nhãn để khắc phục; hướng dẫn các cơ sở thực hiện các biện pháp nhằm tuân thủ đúng các quy định pháp luật về bảo đảm an toàn thực phẩm.

Liên quan đến việc sản phẩm thuộc nhóm thực phẩm chức năng Rockmen của Công ty Sao Thái Dương mới bị Cục ATTP rút giấy phép, ông Trung cho biết: “Sản phẩm này đã vi phạm việc ghi nhãn mác sản phẩm không đầy đủ, gây hiểu nhầm cho người tiêu dùng. Với những sai phạm này chúng tôi sẽ xử lý nghiêm theo đúng quy định nhưng cũng làm sao đảm bảo quyền lợi cho doanh nghiệp”.

Ông Trung cũng nói thêm: “Doanh nghiệp Sao Thái Dương có sản phẩm khác nhau là Thực phẩm chức năng Rockmen và Vodka Rockmen. Trong khi đó sản phẩm Vodka Rockmen là do phía cơ quan Hà Nam cấp giấy phép. Và hiện tại các sản phẩm rượu Rockmen vẫn được lưu hành bình thường”.

Tên gọi làm khổ doanh nghiệp

Theo PGS.TS Trần Đáng, Chủ tịch Hiệp hội thực phẩm chức năng Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục ATTP, trên thị trường vẫn có thể có sản phẩm rượu thực phẩm chức năng với nồng độ cồn khoảng 30% nhưng nó phải đạt được các quy định, các tiêu chuẩn. “Quan trọng nhất là thành phần chức năng của nó là gì, rượu chỉ là thứ để dẫn thuốc vào trong cơ thể thì mới là thực phẩm chức” – ông Đáng nói.

Ông Đáng cũng cho biết, một số sản phẩm rượu thực phẩm chức năng như rượu rắn (giảm đau xương khớp), rượu nhân sâm, rượu ngâm ba kích, rượu an thần (ngâm dâu tằm, lá dâu)... đều phải được Cục ATTP cho phép. Hay nói cách khác rượu thuốc chính là rượu thực phẩm chức năng hiện nay.

Theo một chuyên gia đang công tác tại Học viện Tài chính, việc DN “mập mờ” tên gọi sẽ chiếm được nhiều ưu thế trong cạnh tranh. “Một số doanh nghiệp được tư vấn sử dụng chiêu trò này để “né” thuế tiêu thụ đặc biệt, tạo tâm lý an tâm cho người tiêu dùng, được quảng cáo sản phẩm…” – vị chuyên gia này nói

Nói đến nghi vấn nhiều doanh nghiệp cố tình lách nghĩa vụ đóng thuế khi mập mờ giữa rượu và thực phẩm chức năng, ông Trung cho biết: “Không có chuyện đó, trong quy định đã ghi rất rõ rằng đồ uống có nồng độ cồn bao nhiêu % thì phải đóng thuế tiêu thụ đặc biệt. Khi chúng tôi kiểm tra sản phẩm Rockmen, nhà sản xuất còn đưa cho chúng tôi xem bằng chứng doanh nghiệp này đã đóng thuế tiêu thụ đặc biệt cho sản phẩm thuộc nhóm thực phẩm chức năng của họ”.

Trao đổi với PV, PGS.TS Trương Đình Chiến, trưởng khoa Marketing trường ĐH Kinh tế quốc dân nhận định, không thể đánh đồng các doanh nghiệp với nhau, cần phải có sự công bằng khi giải quyết các vi phạm. Doanh nghiệp làm ăn chân chính không thể bị đánh đồng như doanh nghiệp có hành vi gian lận. Điều đó sẽ khiến cho thị trường cạnh tranh kém lành mạnh, doanh nghiệp đua nhau tìm mọi cách để “lách”.

Theo datviet