Quy chuẩn

Mập mờ rau, quả an toàn

9 năm trước

 Theo Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam, hiện tổng diện tích trồng rau, quả cả nước khoảng 823,7 nghìn héc-ta, cho tổng sản lượng 14 triệu tấn/năm. Điều đáng báo động là số mẫu rau phát hiện dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), vi sinh vật vượt giới hạn cho phép vẫn ở mức cao, chiếm 5-7% sản lượng.

Mập mờ rau, quả an toàn
Trồng rau an toàn tại xã Văn Đức, huyện Gia Lâm, TP Hà Nội.


Khó phân biệt thật, giả

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã ban hành quy trình canh tác VietGAP (thực hành sản xuất nông nghiệp tốt tiêu chuẩn Việt Nam) đối với 5 sản phẩm: Rau, quả tươi, chè búp tươi, lúa và cà phê. Tổng diện tích đã cấp giấy chứng nhận VietGAP có khoảng 14.500ha, trong đó, riêng thanh long của Bình Thuận là hơn 7000ha. Đến nay, có 575 giấy chứng nhận VietGAP còn hiệu lực với diện tích là hơn 8.228ha.

Thực tế cho thấy, nhu cầu của người tiêu dùng đối với rau, quả an toàn (RQAT) theo tiêu chuẩn VietGAP là rất lớn. Tuy nhiên, lượng rau, quả sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, hay nói cách khác là RQAT cung cấp ra thị trường lại không nhiều. Các cơ sở sản xuất RQAT theo VietGAP mặc dù được đầu tư nhiều nhưng không phát triển được như kỳ vọng. Điều này là do nhiều nguyên nhân, trong đó có bất cập rất lớn về phát triển, tổ chức và quản lý thị trường.

Chị Nguyễn Thị Vân, nông dân ở xã Yên Mỹ, huyện Thanh Trì (Hà Nội), ngán ngẩm nói: "Nếu sản xuất RQAT rồi phải tự đi bán, giá lại thấp hơn cả rau, quả bình thường thì ai muốn làm".

Trong khi đó, người tiêu dùng gặp khó khăn trong việc phân biệt RQAT với rau, quả không an toàn và công tác quản lý, phát triển RQAT hiện vẫn còn bộc lộ nhiều khó khăn, hạn chế, bất cập. Việc quản lý chất lượng RQAT còn khá lỏng lẻo là nguyên nhân khiến sản phẩm kém chất lượng, không rõ nguồn gốc vẫn “lọt lưới”. Ngay như công tác kiểm soát nguồn gốc và chất lượng rau, kể cả ở những hệ thống siêu thị vẫn chưa thực hiện tốt. Điển hình là vụ các loại nấm bày bán trong siêu thị (nấm kim châm, nấm bào ngư) được ghi là sản xuất tại Việt Nam, nhưng thực tế ở Việt Nam chưa sản xuất được những loại nấm này. Vụ việc chỉ được phát hiện khi các cơ quan báo chí điều tra, chứng minh khiến một số siêu thị tại Hà Nội phải dừng bán các sản phẩm nấm kể trên.

Mạng lưới phân phối RQAT chưa ổn định và rộng khắp nên RQAT của người nông dân sản xuất ra vẫn gặp khó khăn khi tiếp cận thị trường. Tình trạng đưa hàng bên ngoài vào dán tem nhãn của những nơi sản xuất RQAT gây thiệt hại cho người tiêu dùng và ảnh hưởng đến các thương hiệu RQAT uy tín. Điều này dẫn đến việc người tiêu dùng chưa tin tưởng vào các sản phẩm RQAT. Vì vậy, khi một cơ sở sản xuất RQAT giới thiệu sản phẩm, kể cả cam kết bảo đảm chất lượng, nhưng người tiêu dùng vẫn “quay lưng”. RQAT không giữ được vị thế sẽ gây thiệt hại về kinh tế cho người sản xuất; khiến người tiêu dùng bị thiệt thòi vì phải sử dụng rau, quả không an toàn làm ảnh hưởng tới sức khỏe. Chị Nguyễn Thị Bích Thủy ở phường Yên Phụ, quận Tây Hồ (Hà Nội), bày tỏ âu lo: "Thú thực bây giờ tôi chẳng biết loại rau, quả nào bảo đảm an toàn, trong khi đó vẫn phải ăn rau, quả hằng ngày. Thôi thì đành phó mặc cho may rủi". Việc đánh mất niềm tin của người tiêu dùng, cộng thêm hệ thống phân phối sản phẩm RQAT hiện yếu kém càng khiến việc sản xuất RQAT theo tiêu chuẩn VietGAP gặp khó khăn.
Để rau, quả an toàn trở nên “hấp dẫn”

Bà Nguyễn Thị Tân Lộc (Viện Nghiên cứu Rau, quả) cho rằng: Mặc dù trong thời gian gần đây, Bộ NN&PTNT đã có nhiều hoạt động kết hợp với các địa phương tại những vùng trọng điểm rau, quả để thực hiện quy hoạch. Tuy nhiên, RQAT vẫn còn thiếu một chương trình đồng bộ có mục tiêu về phát triển sản xuất. Việc bố trí các nhà máy chế biến rau, quả chưa thực sự hợp lý, nên còn nhiều nhà máy chưa hoạt động hết công suất, thiếu nguyên liệu. Các dây chuyền thiết bị hiện đại đã được đầu tư, nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu của những thị trường lớn như: Nhật Bản, châu âu, Mỹ... Vấn đề giống rau, quả và chất lượng chưa hoàn toàn chủ động, nhất là giống rau, nên còn phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu và chi phí về giống rất lớn. Đặc biệt, do thiếu sự liên kết trong lĩnh vực sản xuất, tiêu thụ RQAT, chưa cân bằng được lợi ích giữa người sản xuất và nhà phân phối, nên việc sản xuất RQAT vẫn chưa thực sự “hấp dẫn” người dân. Đây chính là vòng luẩn quẩn đối với vấn đề sản xuất, tiêu thụ RQAT.

Trong thời gian tới, để phát triển sản xuất RQAT (theo tiêu chuẩn VietGAP) cần triển khai nhiều biện pháp nhằm giảm giá thành, đưa việc tiêu thụ RQAT trở nên phổ biến đối với người tiêu dùng trong và ngoài nước. Tập trung xây dựng phát triển thị trường và tổ chức mạng lưới tiêu thụ, tránh cách làm trước đây chủ yếu là hỗ trợ kỹ thuật và nâng cao năng lực sản xuất, ít chú trọng đến thị trường.

Các cơ quan chức năng cũng cần tiếp tục rà soát và ban hành đầy đủ các văn bản quy định, đặc biệt là những quy chuẩn kỹ thuật trong toàn bộ chuỗi cung ứng rau, quả an toàn; ban hành văn bản thỏa thuận về cơ chế phối hợp giữa Bộ Y tế, Bộ Công Thương và Bộ NN&PTNT về kiểm soát chuỗi. Đồng thời, các cơ quan chức năng cần tổ chức kiểm tra, đánh giá phân loại và cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm. Hỗ trợ xây dựng liên kết giữa khu vực sản xuất và khu vực phân phối, bán lẻ trong các chuỗi. Xây dựng các sản phẩm truyền thông nhằm quảng bá, giới thiệu sản phẩm, cách nhận diện sản phẩm. Và chỉ khi giải được “bài toán” cân bằng, hài hòa lợi ích giữa người sản xuất và người tiêu dùng thì sản phẩm RQAT mới có thể phổ biến trên thị trường.

Theo báo QĐND

Các bài viết khác