Quy chuẩn

Người tiêu dùng hãy hành động vì quyền lợi của chính chúng ta

10 năm trước

 Nếu việc mua bán một sản phẩm tại chợ, tại các siêu thị, cửa hàng hay các tiệm tạp hóa… được xem là một giao dịch, thì mỗi ngày trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp có không dưới một triệu giao dịch lớn nhỏ.

Người tiêu dùng hãy hành động vì quyền lợi của chính chúng ta
Sau khi mua sản phẩm xong, người tiêu dùng mang về sử dụng thì không phải ai cũng hài lòng với sản phẩm mà mình đã mua. Tuy nhiên, khi không hài lòng về sản phẩm vừa mua về sử dụng, nếu sản phẩm có giá trị thấp thì hầu hết người tiêu dùng đều bỏ mặc cho qua. Khi sản phẩm có giá trị tương đối lớn thì người tiêu dùng mới lên tiếng đấu tranh, bảo vệ quyền lợi của mình, nhưng quyền lợi đó thường không được đảm bảo một cách đầy đủ bởi nhiều nguyên nhân.

Từ việc mua phải điện thoại kém chất lượng…

Ông Nguyễn Thành Công, ngụ tại ấp 4, xã Bình Hàng Trung, huyện Cao Lãnh kể, cách nay không lâu, ông có mua một chiếc điện thoại di động ở một cửa hàng trong xã Bình Hàng Trung. Thời hạn bảo hành của sản phẩm này là 13 tháng, nhưng chỉ sau 2 tháng sử dụng thì chiếc điện thoại bị mất nguồn liên tục. Ông Lê Thành Công đã gửi lại cửa hàng để bảo trì. Sau 14 ngày, cửa hàng giao lại chiếc điện thoại cho ông nhưng nó vẫn không hoạt động được. Ông lại yêu cầu cửa hàng tiếp tục bảo trì vì thời hạn bảo hành còn rất lâu.

Hai tuần sau, nhân viên kỹ thuật của cửa hàng thừa nhận với ông rằng không thể sửa chữa được chiếc điện thoại này. Tuy nhiên, người chủ cửa hàng điện thoại lại đổ lỗi cho ông Công rằng sử dụng không đúng cách, dẫn đến hư hỏng và không chấp nhận tiếp tục bảo trì. Sự việc lên đến đỉnh điểm khi người chủ cửa hàng chối bỏ trách nhiệm và thậm chí còn xua đuổi nặng lời với ông.

“Tôi đã gửi đơn đến UBND xã Bình Hàng Trung và một số cơ quan chức năng địa phương nhưng đều không được giải quyết thỏa đáng”, ông Công cho biết thêm.

Bức xúc vì “tiền mất tật mang”, ông đã tìm đến Hội Tiêu chuẩn & bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh Đồng Tháp và được hỗ trợ tích cực. Chỉ trong vòng một tuần, tranh chấp của ông với chủ cửa hàng đã được giải quyết. Chủ cửa hàng đã nhận trách nhiệm của mình và giải quyết thỏa đáng quyền lợi cho ông.

Đến việc mua phải lúa giống không đúng chất lượng công bố…

Ông Trương Văn Che ở ấp 6, xã Phong Mỹ, huyện Cao Lãnh cho biết, trong vụ Đông Xuân 2010 – 2011, ông có đến một đại lý giống ở TP.Cao Lãnh mua 200kg lúa giống. Sau khi mang về canh tác, ông đã phát hiện lúa giống mình mua không đúng chất lượng công bố của đại lý. Ông đã yêu cầu đại lý giống bồi thường cho ông nhưng không được giải quyết. “Tôi đã làm đơn gửi Sở Nông nghiệp &PTNT, thì cán bộ ở Sở bảo rằng, nhận đơn thì nhận nhưng không giải quyết được do không đúng chức năng”. May mắn là ông là gặp được một số bà con ở xã Gáo Giồng, huyện Cao Lãnh cũng mua phải lúa giống tương tự và họ biết thông tin về Hội Tiêu chuẩn & Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, ở chỗ Sở Công Thương Đồng Tháp. Chỉ 2 – 3 ngày sau khi nhận đơn, Hội đã mời chủ đại lý lên giải quyết. “Khoảng 1 tuần sau là giải quyết xong xuôi hết. Khi đó đại lý bán giống mới chấp nhận ngồi lại để thỏa thuận bồi hoàn cho tôi”. Ông Trương Văn Che, kể lại.

Và kinh nghiệm bảo vệ quyền lợi từ những vụ việc nhỏ

Có thể thấy rõ, trường hợp của ông Trương Văn Che ở xã Phong Mỹ và ông Nguyễn Thành Công ở xã Bình Hàng Trung, huyện Cao Lãnh là hai trường hợp hàng hóa tranh chấp có giá trị tương đối lớn. Việc người tiêu dùng bức xúc khi các loại hàng hóa có giá trị này không đạt chất lượng như mong muốn và yêu cầu bảo vệ quyền lợi là điều dễ hiểu. Còn khi chẳng may mua và sử dụng phải những sản phẩm kém chất lượng nhưng giá trị không cao thì rất ít người chọn giải pháp yêu cầu bảo vệ quyền lợi cho mình.

Do bức xúc trước khả năng gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng của một sản phẩm nước uống đóng chai, anh Lê Tiến Duy, ngụ ở xã Mỹ An Hưng B, huyện Lấp Vò đã yêu cầu Hội Tiêu chuẩn & Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng can thiệp. Kết quả, anh đã thành công trong việc yêu cầu nhà sản xuất xem xét lại chất lượng sản phẩm và giải quyết thỏa đáng cho anh.

Anh Lê Tiến Duy cho rằng, dù sản phẩm giá trị cao hay thấp nhưng ảnh hưởng đến sức khỏe, đến quyền lợi chúng ta thì chúng ta phải lên tiếng để nhà sản xuất có trách nhiệm và để họ sản xuất ngày càng hoàn thiện hơn. Thông qua những vụ việc tranh chấp này, Hội Tiêu chuẩn & Bảo vệ người tiêu dùng cũng sẽ ngày càng phát huy lợi thế để bảo vệ người tiêu dùng ngày càng tốt hơn.

Người tiêu dùng hãy hành động vì quyền lợi của chính chúng ta

Qua trường hợp của anh Lê Tiến Duy ở xã Mỹ An Hưng B, huyện Lấp Vò, có thể thấy rõ rằng, nếu mỗi người tiêu dùng đều ý thức cao về quyền lợi của mình và không bỏ qua những trường hợp dù sản phẩm giá trị thấp thì thị trường sẽ ngày càng trong sạch hơn. Các nhà sản xuất sẽ có trách nhiệm hơn đối với các sản phẩm mình cung cấp cho người tiêu dùng.

Ông Phan Kim Sa, Phó Giám đốc Sở Công Thương – Phó Chủ tịch Hội Tiêu chuẩn & Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh Đồng Tháp cho rằng, đa số người tiêu dùng khi mua một sản phẩm có giá trị nhỏ mà bị lỗi, do ngại chi phí và thời gian đi lại nên ít quan tâm đến việc khiếu kiện. Từ thói quen này của người tiêu dùng, nhiều doanh nghiệp và cửa hàng ít quan tâm tới chất lượng phục vụ người tiêu dùng.

Một khía cạnh khác chính là việc nâng cao ý thức người tiêu dùng. Để Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có thể phát huy vai trò của mình thì bản thân từng người tiêu dùng cũng phải tự nâng cao ý thức trong việc bảo vệ quyền lợi cho chính bản thân mình. Bởi lẽ từ trước tới nay, người tiêu dùng Việt Nam nói chung và Đồng Tháp nói riêng vẫn chưa có thói quen lưu lại những chứng từ, hóa đơn…để chứng minh nguồn gốc sản phẩm để làm căn cứ yêu cầu xử lý trong từng vụ việc. Đây chính là một thói quen đầy bất lợi cho người tiêu dùng mỗi khi xảy ra tranh chấp về chất lượng sản phẩm và cần được sự can thiệp của Hội.

Việc người tiêu dùng chưa ý thức rõ những việc cần làm để có thể bảo vệ quyền lợi của mình có nhiều nguyên nhân, trong đó, việc đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người tiêu dùng của Hội trong thời gian qua còn khá khiêm tốn.

Từ khi thành lập vào năm 2009 đến nay, Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh Đồng Tháp đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo để phổ biến kiến thức, nhưng chỉ mới dừng lại ở các đối tượng là hội viên và một số đối tượng khác. Đây được xem là mặt hạn chế mà các cơ quan có liên quan sẽ tích cực khắc phục trong thời gian tới.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Đúng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học & Kỹ thuật tỉnh Đồng Tháp cho rằng, để cho người tiêu dùng nắm bắt tốt thông tin về Hội này, thì thời gian tới, Liên hiệp hội sẽ lồng ghép để tuyên truyền trong các hoạt động của Liên hiệp hội và các hội thành viên. Với giải pháp này, thông tin về Hội Tiêu chuẩn & bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng sẽ có thể đến với người dân một cách rộng rãi hơn.

Mặc dù Hội Tiêu chuẩn & Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng chưa có văn phòng riêng mà phải hoạt động chung tại phòng Quản lý Thương mại của Sở Công Thương; đa số cán bộ đều thực hiện chức trách kiêm nhiệm, nhưng những hiệu quả đạt được trong thời gian qua là rất đáng phấn khởi. Nhiều việc tranh chấp liên quan đến các sản phẩm giá trị từ thấp đến cao đã được giải quyết có hiệu quả. Với kế hoạch bổ sung nguồn nhân lực chuyên trách và bố trí trụ sở văn phòng riêng biệt, Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh Đồng Tháp được kỳ vọng rằng sẽ là chỗ dựa vững chắc cho người tiêu dùng ở địa phương.

T.Tuệ - M Đông
 

Các bài viết khác