Dự án RD7-0289

Suy nghĩ về các biện pháp duy trì sự ổn định chất lượng MBH trong tình hình hiện nay

6 năm trước

Bất cứ một giải pháp nào được đưa ra để giải quyết một vấn đề tồn tại nào đó cũng phải dựa trên cơ sở sự phân tích thấu đáo từ nhiều khía cạnh để tìm ra những nguyên nhân của vấn đề đó. 

Suy nghĩ về các biện pháp duy trì sự ổn định chất lượng MBH trong tình hình hiện nay

Bất cứ một giải pháp nào được đưa ra để giải quyết một vấn đề tồn tại nào đó cũng phải dựa trên cơ sở sự phân tích thấu đáo từ nhiều khía cạnh để tìm ra những nguyên nhân của vấn đề đó. Chỉ có như vậy thì các giải pháp mới có thể có hiệu quả. Đối với vấn đề chất lượng mũ bảo hiểm (MBH) cũng vậy. Năm 2015, thực hiện dự án RS10-0203 do Hiệp hội an toàn đường bộ toàn cầu GRSP quản lý và Quỹ Bloombeg philanthropies tài trợ, Hội Tiêu chuẩn va Bảo vệ Người Tiêu dùng Việt Nam (VINASTAS) đã phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức nhiều hội thảo, hội nghị, với nhiều đóng góp, chia sẻ, tranh luận rất thẳng thắn từ nhiều góc độ: Nhà quản lý, nhà sản xuất, nhà phân phối, người tiêu dùng… để xác định những nguyên nhân cơ bản của vấn đề chất lượng mũ bảo hiểm trong thời gian qua. Những nguyên nhân cơ bản đã được xác định qua phân tích trên biểu đồ Nhân-Quả sau:

 

Như vậy, 7 nguyên nhân cơ bản dẫn đến sự không ổn định của chất lượng MBH như thể hiện trên biểu đồ là những vấn đề đang được đề cập để giải quyết một cách đồng bộ nhất có thể trong khuôn khổ dự án VNMXX Rd7 0289 do VINASTAS phối hợp với Tổng cục TCĐLCL và các cơ quan tổ chức có liên quan thực hiện trong năm 2016-2017 với các phân tích sau đây:

1.   Các văn bản quản lý chất lượng MBH

Từ năm 2007 khi đội mũ bảo hiểm được qui định là bắt buộc với người ngồi trên mô tô xe máy, đã có nhiều văn bản quản lý các cấp, từ Chính phủ, Liên bộ, Bộ, Tổng cục…được ban hành. Tuy nhiên thực tế áp dụng trong thời gian qua cho thấy cả 2 mặt hiệu lực (sự tuân thủ) và hiệu quả (kết quả đạt được) của các văn bản quản lý này vẫn còn thấp so với yêu cầu quản lý. Để cải thiện, một số trong các văn bản này đang được soát xét để sửa đổi bổ sung ở các mức độ khác nhau, cụ thể:

 

a)   Nghị định 87/2016/NĐ-CP “Qui định về điều kiện kinh doanh mũ bảo hiểm cho người đi mô tô xe máy”. Nghị định này sẽ có hiệu lực toàn bộ vào 1/7/2017 nên đã và đang được phổ biến triển khai trong cả  đặc biệt trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh. Hiện nay Nghị định đang được soát xét lại cho phù hợp với sự thay đổi của luật pháp liên quan;

b)   Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 2:2008/BKHCN về MBH cho người đi mô tô, xe máy. Quy chuẩn kỹ thuật này đang được các cơ quan/tổ chức liên quan nghiên cứu xây dựng dự thảo đề nghị soát xét để trình cơ quan quản lý (Tổng cục TĐC/Bộ KH&CN) xem xét ban hành trong thời gian tới;

c)   Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 5756:2017 về MBH cho người đi xe máy. Tiêu chuẩn này đang được soát xét cho phù hợp hơn với các yêu cầu của quản lý để công bố trong thời gian tới (dự kiến trong 2017);

d)   Quyết định số 1024/2008/TĐC về hướng dẫn chứng nhận hợp qui MBH cũng đang được nghiên cứu xây dựng dự thảo đề nghị soát xét  nhằm sửa đổi, bổ sung những điều còn bất cập để trình Tổng cục TCĐLCL xem xét ban hành đồng bộ với soát xét QCVN2:2008;

e)   Thông tư 28/2012/BKHCN “Qui định về công bố hợp chuẩn, công bố hợp qui và phương thức đánh giá sự phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật”. Thông tư này đã được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 02/2017/TT-BKHCN ngày 31/03/2017 cho phù hợp với các văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành.

Việc hoàn thiện các văn bản quản lý chủ chốt nêu trên là cơ sở quan trọng để duy trì và nâng cao hiệu lực và hiệu quả của quản lý chất lượng MBH trong thời gian tới.

2.   Sự phối hợp của các cơ quan quản lý

Mỗi cơ quan quản lý hầu như đã hoàn thành nhiệm vụ của mình theo chức trách được giao. Vậy tại sao hiệu lực và hiệu quả quản lý chất lượng MBH chưa cao, tai nạn xe máy dẫn đến chấn thương sọ não vẫn còn ở mức gần 50 % (Theo số liệu của WHO tại Việt Nam). Một trong những nguyên nhân chính là do việc thực hiện sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý chức năng chưa được tốt, dù đã có thông tư liên tịch số 06/2013/TTLT-BKHCN-BCT-BCA-BGTVT quy định một số nguyên tắc phối hợp trong quản lý sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu và sử dụng MBH.

Có thể tham khảo sơ đồ minh họa dưới đây:

3.   Các cơ sở sản xuất MBH

Theo quy định của Nghị định 87, với việc đưa MBH vào danh mục  ngành hàng sản xuất có điều kiện, các cơ sở sản xuất MBH sẽ được kiểm soát chặt chẽ hơn. Từ chỗ sản xuất được bung ra, có hàng trăm cơ sở (trong đó  nhiều cơ sở sản xuất thủ công thiếu các điều kiện sản xuất cơ bản) nay chỉ còn lại những cơ sở nào có đủ điều kiện như qui định tại NĐ 87 mới được sản xuất. Mặc dù vậy, trên thực tế các cơ sở sản xuất vẫn có nhiều cách để đối phó, né tránh các khâu kiểm tra để sản xuất ra những MBH không đảm bảo chất lượng nhưng giá cả cạnh tranh, phục vụ các đối tượng người tiêu dùng chỉ cần mua mũ rởm để đối phó với CA chứ không phải để bảo vệ cái đầu của mình. Cho nên việc đánh giá chứng nhận hợp qui, kiểm soát lưu thông trên thị trường v…v… cũng phải được các đơn vị chức năng kiểm soát chặt chẽ hơn để việc sản xuất đi dần vào nề nếp.

 

4.   Vấn đề chứng nhận hợp qui MBH

Việc chứng nhận được tuân thủ theo hướng dẫn qui định tại Quyết định số1024/QĐ của Tổng cục TCĐLCL. Tuy nhiên, các vấn đề về phương thức lấy mẫu đánh giá, thử nghiệm, giám sát sau chứng nhận v…v… cũng còn có những bất cập. Vì vậy cần có các quy định và biện pháp cụ thể để quản lý tốt hơn họat động chứng nhận và đảm bảo tính thống nhất, khách quan trong lấy mẫu, thử nghiệm MBH trong thời gian tới.

5.   Vấn đề thị trường phân phối MBH

Thị trường phân phối MBH ở Tp. Hồ Chí Minh cũng như các nơi khác rất khó được kiểm soát (đối tượng của Cục quản lý thị trường Bộ CT). Cục quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa thuộc Tổng cục TĐC thường chỉ kiểm tra tại các cơ sở sản xuất. MBH không đạt chuẩn (không có dấu CR) và mũ giống MBH được bày bán công khai, bán ở những nơi không có địa chỉ rõ ràng, bán ở vỉa hè, di động nên cơ quan quản lý thị trường (QLTT) cũng khó kiểm soát. Cũng có nhiều lô MBH không đạt yêu cầu được QLTT tịch thu về nhưng không biết xử lý thế nào, không có kho chứa, thiếu kinh phí để tiêu hủy v.v... Đó là những vấn đề tồn tại trong khâu lưu thông phân phối MBH cần được khắc phục.

6.   Vấn đề nhận thức của người tiêu dùng (NTD)

Nhận thức của người ngồi trên xe máy (NTD) vẫn là vấn đề mấu chốt. Nếu NTD nhận thức được việc đội MBH chính là để bảo vệ cái đầu của mình chứ không phải là để đối phó với Công an thì dần dần thị trường MBH không đạt chuẩn sẽ không còn đất tồn tại (Ở các nước khác trên thế giới hầu như không có hiện tượng này), các nhà sản xuất cũng sẽ chú tâm làm ra những cái MBH đạt chuẩn và có hình thức đẹp làm thỏa mãn NTD.

7.   Vấn đề thông tin tuyên truyền

Có rất nhiều chương trình tuyên truyền cho người dân về việc đội MBH đã được thực hiện ở cấp quốc gia, cấp tỉnh, thành phố với nhiều hình thức  phong phú khác nhau đã dần dần tạo được nhận thức của NTD. Đằng nào cũng phải đội MBH thì mua một cái tử tế, lỡ có bị tai nạn cũng có thể giảm thiểu thiệt hại, nhất là chấn thương sọ não. Tuy nhiên việc sử dụng các phương pháp tuyên truyền hữu hiệu để thay đổi cơ bản nhận thức của NTD đối với sử dụng MBH là một vấn đề rất lớn cần được duy trì thường xuyên

Ngoài ra cũng phải đề cập đến vai trò của các nhà sản xuất và phân phối mô tô xe máy. Đội MBH là bắt buộc cho nên có thể coi MBH là một bộ phận cấu thành của chiếc xe để đảm bảo an toàn cho người sử dụng. Hiện nay vấn đề này chưa được các nhà sản xuất và phân phối quan tâm đúng mực. Nếu người tiêu dùng mua một cái xe máy đã có kèm 1 hay 2 cái MBH (đương nhiên phải đảm bảo chất lượng) thì cũng sẽ góp phần làm tăng số lượng MBH đạt chuẩn trong tham gia giao thông.

Phần lớn trong số những vấn đề nêu trên là nội dung đang được đề cập trong khuôn khổ Dự án VNMXX Rd7 0289 do VINASTAS chủ trì thực hiện nhằm góp phần nâng cao hiệu lực và hiệu quả quản lý chất lượng MBH cho người đi mô tô xe máy trong thời gian tới.

 

Phạm Bá Cứu -Trưởng nhóm CG thực hiện

 

 

Tags: MBH Vinastas chất lượng sản xuất người tiêu dùng

Các bài viết khác

Hỗ trợ Tp Hồ Chí Minh thực hiện các văn bản quản lý chất lượng MBH sau nghị định 87/CP

Hỗ trợ Tp Hồ Chí Minh thực hiện các văn bản quản lý chất lượng MBH sau nghị định 87/CP

Phương thức hậu kiểm đối với kiểm tra chất lượng mũ bảo hiểm nhập khẩu

Phương thức hậu kiểm đối với kiểm tra chất lượng mũ bảo hiểm nhập khẩu

Cơ sở và nội dung cơ bản của Dự thảo đề nghị soát xét QCVN2:2008 về mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy

Cơ sở và nội dung cơ bản của Dự thảo đề nghị soát xét QCVN2:2008 về mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy

Tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý trong việc đảm bảo chất lượng mũ bảo hiểm

Tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý trong việc đảm bảo chất lượng mũ bảo hiểm

• Giải pháp để nâng cao hiệu quả và hiệu lực của hoạt động chứng nhận hợp quy MBH

• Công tác quản lý chất lượng MBH tại Tp Hồ Chí Minh

• Vai trò của công ty cung cấp mô tô, xe máy trong việc đảm bảo chất lượng mũ bảo hiểm

• Những vấn đề trao đổi xem xét khi soát xét Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy

• Một số giải pháp thực thi Nghị định 87/2016/NĐ-CP “Quy định về điều kiện kinh doanh mũ bảo hiểm cho người đi môtô, xe máy”

• VINASTAS tham gia vào việc xây dựng và soát xét các văn bản quản lý chất lượng mũ bảo hiểm

• Hội nghị tham vấn dự thảo soát xét Quyết định số 1024/QĐ-TĐC về mũ bảo hiểm

• Hội nghị tham vấn về nội dung sửa đổi, bổ sung QCVN2:2008 về mũ bảo hiểm

• Quy định về điều kiện kinh doanh, phân phối mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy

• Vài nét về tình hình kinh doanh mũ bảo hiểm