Thị trường

Vẫn “nhức nhối” mất an toàn vệ sinh thực phẩm

8 năm trước

 Tại hội thảo Vệ sinh an toàn thực phẩm vì quyền lợi người tiêu dùng do Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam (VINASTAS) phối hợp với Văn phòng phía Nam Báo Người tiêu dùng tổ chức tại TP.HCM ngày 18-6, các chuyên gia cho rang tình trạng mất an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) vẫn còn khá phức tạp.

Vẫn “nhức nhối” mất an toàn vệ sinh thực phẩm
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó chủ tịch VINASTAS cho biết, liên quan đến VSATTP, Nhà nước đã ban hành hệ thống pháp luật bao gồm nhiều luật và pháp lệnh về chất lượng hàng hóa, tiêu chuẩn quy chuẩn kĩ thuật, an toàn thực phẩm và bảo vệ người tiêu dùng. Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành nhiều quyết định về vệ sinh an toàn thực phẩm.

Ngoài ra, các Bộ cũng đã ban hành hàng trăm văn bản, quy phạm pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, các vụ ngộ độc thực phẩm vẫn không giảm. Cụ thể, năm 2013 có 167 vụ ngộ độc thực phẩm, 5.558 người bị ngộ độc, 28 người chết. Tuy nhiên, đến năm 2014 có 194 vụ ngộ độc thực phẩm, 5.203 người mắc, 43 người chết.

Theo ông Hùng, nguyên nhân làm gia tăng các vụ vi phạm về VSATTP không chỉ do sản xuất, chế biến, cây trồng, vật nuôi bị ô nhiễm hóa chất, kim loại nặng thải ra từ các khu công nghiệp mà còn do tình trạng sử dụng các hóa chất ngoài danh mục hoặc bị cấm như thuốc bảo vệ thực vật, kích thích tăng trưởng trong trồng trọt, chất tăng trọng, chất tạo nạc trong chăn nuôi, các chất bảo quản phụ gia, chất ngọt tổng hợp, phẩm màu công nghiệp trong chế biến, bảo quản thực phẩm dẫn đến ô nhiễm thực phẩm.

Đặc biệt, trong nguồn thực phẩm nhập khẩu cũng có không it thực phẩm không đảm bảo VSATTP như sữa nhiễm melamine có nguồn gốc từ Trung Quốc, thạch rau câu có chất phụ gia chứa chất DEHP (chất phụ gia bị cấm dùng trong thực phẩm), hạt trân châu có chứa chất gây suy thận có nguồn gốc Đài Loan, hàng chục tấn thực phẩm chức năng giả, hàng chục tấn thịt bò Úc, Canada hết hạn gần 2 năm. Ngoài ra, mỗi năm hàng triệu con gà thải loại, và hàng chục tấn phủ tạng động vật được buôn lậu qua các tỉnh biên giới.

Theo bác sĩ Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Phó Chi cục trưởng Chi Cục VSATTP TP. HCM, TP.HCM là nơi tiêu thụ thực phẩm rất lớn, nhưng việc quản lí, kiểm soát an toàn thực phẩm chủ yếu do các địa phương cung cấp thực phẩm chịu trách nhiệm. Bên cạnh đó, tình hình an toàn thực phẩm trên thế giới diễn biến phức tạp, nguy cơ dịch, bệnh qua thực phẩm rất lớn gây khó khăn cho công tác đảm bảo VSATTP tại TP.HCM.
Trong những năm gần đây, TP.HCM cũng đã phát hiện nhiều vụ kinh doanh các sản phẩm nước sốt, bánh kẹo, nước tăng lực, sữa bột có xuất xứ từ Trung Quốc không đảm bảo VSATTP.

Trước thực trạng trên, nhằm tăng cường công tác đảm bảo VSATTP, VINASTAS kiến nghị, bên cạnh việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người sản xuất, kinh doanh, người tiêu dùng, cần tăng cường hơn nữa công tác thanh tra, kiểm tra, xử lí nghiêm theo pháp luật các hành vi vi phạm VSATTP. Bên cạnh đó, người tiêu dùng chủ động trong việc lựa chọn mua, sử dụng thực phẩm có nguồn gốc và đảm bảo an toàn.

Về phía TP.HCM nhằm đảm bảo VSATTP trong thời gian tới, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai cho biết, TP.HCM sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác giám sát VSATTP, nhân rộng mô hình quản lí thực phẩm theo chuỗi thực phẩm an toàn tại thành phố. Đồng thời, triển khai hệ thống cảnh báo nhanh về VSATTP trên quy mô toàn thành phố để nắm bắt kịp thời các sự cố, vụ việc liên quan VSATTP đang xảy ra qua đó triển khai nhanh các biện pháp ứng phó trên địa bàn.

Theo haiquan online

Các bài viết khác