Tiêu chuẩn

Mua sắm trực tuyến: Mua hàng thời hiện đại

7 năm trước

Chủ đề Ngày quyền của người tiêu dùng (NTD)  thế giới năm 2017 do Tổ chức Quốc tế người tiêu dùng (CI) đưa ra: “Quyền của NTD trong thời đại kỹ thuật số”. Còn Ngày quyền của NTD Việt Nam - 15/3/2017, có chủ đề: “ Doanh nghiệp vì người tiêu dùng”.

Mua sắm trực tuyến: Mua hàng thời hiện đại

Nhân dịp này, Báo Người tiêu dùng có cuộc trao đổi với Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó chủ tịch, kiêm Tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ NTD Việt Nam (Vinastas) về tình trạng mua sắm trực tuyến của NTD hiện nay.

Thưa ông,  với chủ đề: “Doanh nghiệp vì NTD” , Vinastas đã lồng ghép với chủ đề của CI, đi sâu vào bảo vệ quyền lợi NTD trong mua sắm trực tuyến, ông có thể giải thích tại sao ?

Thực hiện Quyết định số 1035/QĐ-TTg, ngày 10/7/2015 của Thủ tướng Chính phủ và căn cứ chỉ đạo của Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại Văn bản số 7077/VPCP-KTTH, ngày 25/8/2016, Bộ Công thương đã ban hành Kế hoạch số 9701/KH-BCT, ngày 12/10/2016 về “Tổ chức Ngày quyền của NTD Việt Nam năm 2017”, với chủ đề như nêu trên.

Theo CI, hơn 3 tỷ người, tương đương 40% dân số thế giới đang mua sắm trực tuyến, so với chỉ 1% trong năm 1995, cùng với tất cả các dự báo cho thấy con số này sẽ tiếp tục tăng. Có thể thấy, trong thời đại kỹ thuật số, mua sắm trực tuyến (MSTT) đã trở nên rất phổ biến trên toàn thế giới.

Tại Việt Nam thương mại điện tử (TMĐT) cũng đã hình thành và phát triển rất nhanh. Ngày MSTT Việt Nam (Online Friday) được tổ chức hàng năm, diễn ra lần đầu tiên vào tháng 12/2014 - một trong những sự kiện được tổ chức nhằm thúc đẩy phát triển TMĐT ở thị trường trong nước, theo Chương trình phát triển Thương mại điện tử Quốc gia, giai đoạn 2014 – 2020 (Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 689/QĐ – TTg, ngày 11/5/2014).

Do những tiện ích của MSTT, ngày càng có nhiều NTD tham gia. Theo kết quả khảo sát của Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin năm 2015, giá trị MSTT của 1 người là 160 USD. Doanh số TMĐT B2C khoảng 4,07 tỷ USD, tăng 37% cùng kỳ. Theo thông tin từ báo chí, năm 2016 đã có hơn 700.000 NTD thực hiện trên 18 triệu lượt xem và tương tác trong Online Friday. Với hơn 3.000 DN tham gia, cùng 360.000 sản phẩm khuyến mãi được đăng tải, thống kê sơ bộ từ 30 DN lớn tham gia, tổng  doanh thu đạt 644 tỷ đồng, với trên 540.000 đơn hàng, gấp hơn 3 lần so với cùng kỳ Online Friday 2015.

Tuy nhiên, với đặc thù của hoạt động mua bán trên internet: người mua và người bán không gặp mặt giao dịch trực tiếp mà qua không gian ảo. NTD không được “mục sở thị” sản phẩm, mà chỉ được nhìn qua hình ảnh đăng trên mạng. Tình trạng quảng cáo sai sự thật, lừa đảo, cạnh tranh không lành mạnh đã từng xảy ra. Không ít NTD gặp phải rủi ro khi hàng nhận được là hàng giả, không đúng như sản phẩm mà người bán quảng cáo trên mạng, đã có đơn khiếu nại đến Vinastas. Sau khi có sự can thiệp của Vinastas, bên bán mới nhận lại hàng và hoàn lại tiền cho NTD.

Từ tình hình trên, ngày 30/12/2016, Vinastas có Công văn, số 207/HTC&BVNTDVN hướng dẫn các hội thành viên căn cứ vào chỉ đạo cụ thể của Bộ Công thương tại Kế hoạch số 9701/KH-BCT, ngày 12/10/2016 về “Tổ chức Ngày quyền của NTD Việt Nam năm 2017”. Căn cứ tình hình thực tế tại địa phương, các hội thành viên có thể lồng ghép tuyên truyền chủ đề của CI, trong đó đi sâu vào bảo vệ quyền lợi NTD trong MSTT, góp phần vào việc đẩy mạnh thực thi Luật Bảo vệ quyền lợi NTD ở nước ta.

Ông có thể cho biết, trong năm 2016 Vinastas đã nhận được bao nhiêu vụ khởi kiện gian lận khi mua hàng qua mạng?

 

Năm 2016 Vinastas và các hội thành viên đã tư vấn giải quyết 1.957 vụ khiếu nại về mua bán hàng hóa và dịch vụ, trong đó có mua hàng qua mạng. Có 594 trường hợp khiếu nại trực tiếp bằng văn bản, tỷ lệ tư vấn giải quyết thành công gần 79%. Có 1.363 trường hợp tư vấn qua điện thoại. Giá trị hàng hóa, dịch vụ được giải quyết thành công khoảng 5,937 tỷ đồng.

Lĩnh vực khiếu nại, gồm: hàng hóa tiêu dùng hàng ngày chiếm 27,77% (thực phẩm ăn uống và vật phẩm tiêu dùng); thiết bị điện, điện tử gia dụng, chiếm 22,31%; điện thoại viễn thông, chiếm 12,34%  (điện thoại, linh kiện, sim thẻ và dịch vụ viễn thông); các lĩnh vực khác 6,53% (máy móc, công cụ phục vụ lao động, sản xuất và vật liệu xây dựng…).

Với cương vị Phó chủ tịch, kiêm Tổng thư ký Vinastas ông có những kiến nghị gì với các bộ ban ngành có liên quan trong việc quản lý bán hàng qua mạng để giúp NTD tránh mua phải hàng kém chất lượng khi MHTT, thưa ông?

Đến nay hệ thống khung pháp lý về TMĐT ở nước ta đã được Nhà nước ban hành khá đầy đủ. Trong đó có Luật Giao dịch điện tử (số 51/2005/QH11, ngày 29/11/2015), Nghị định (số 57/2006/NĐ-CP, ngày 9/6/2006) và Nghị định (số 52/2013/NĐ-CP, ngày 16/5/2013) về TMĐT, Nghị định (số 185/2013/NĐ-CP, ngày 15/11/2013) và Nghị định (số 124/2015/NĐ-CP, ngày 19/11/2015) về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ NTD của Chính phủ. Theo Nghị định 52/2013/NĐ-CP, người sở hữu website TMĐT bán hàng và người bán trên website cung cấp dịch vụ TMĐT phải tuân thủ các quy định của Luật Bảo vệ quyền lợi NTD khi cung cấp hàng hóa, dịch vụ cho khách hàng. Một trong các hành vi bị cấm trong hoạt động thuơng mại điện tử là lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh hàng giả, hàng hóa, dịch vụ vi phạm quyền sở hữu trí tuệ; hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh…

Để TMĐT hoạt động lành mạnh, có lợi cho cả người mua và người bán làm ăn chân chính, đề nghị các cơ quan chức năng có biện pháp quản lý hữu hiệu hơn. Tránh mọi hành vi lợi dụng TMĐT để kinh doanh hàng giả, hàng cấm và các hành vi lừa đảo NTD.

Ông có thể nhận xét về mức độ người dân hiểu biết và quan tâm đến quyền lợi của mình khi tham gia giao dịch mua bán hàng hóa, cũng như khởi kiện để đòi lại quyền lợi?

Tôi tin rằng không một NTD nào khi mua hàng hóa, hoặc sử dụng dịch vụ, dù với phương thức thương mại truyền thống hay TMĐT lại không quan tâm đến quyền lợi của mình. Tuy nhiên có bảo vệ được quyền lợi của mình hay không lại là chuyện khác. Khi đối mặt với những hành vi gian lận thương mại, NTD rất khó có khả năng phát hiện. Nhận định: “Trong quan hệ mua bán, NTD thường ở vào vị thế yếu” là tương đối thống nhất ngay cả trên thế giới. Về phía NTD, khi bị thiệt hại, không phải ai và trong trường hợp nào cũng nghĩ đến việc khởi kiện để đòi lại quyền lợi. Bởi lẽ, việc khởi kiện vốn phức tạp, nhất là vụ việc nhỏ, thiệt hại không lớn. Qua những vụ giúp Vinastas NTD khởi kiện cho thấy, để đòi lại quyền lợi rất khó khăn, thời gian kéo dài hàng năm.

 Để tránh phải mua hàng không đúng nguồn gốc xuất xứ, ông có thể đưa ra những  khuyến cáo gì cho NTD khi MSTT?

Để hạn chế thấp nhất rủi ro, việc mua sắm vốn đã phải thận trọng, khi MSTT lại càng cần thận trọng hơn. Theo kinh nghiệm của nhiều người, khi MSTT, cần chọn diễn đàn mua bán có uy tín, số lượng thành viên tham gia đông, tần suất giao dịch mỗi ngày lớn. Người bán phải có tên, địa chỉ, số điện thoại, email rõ ràng, tra cứu được, tránh địa chỉ “ma”, để khi sự cố xảy ra còn xử lý được. Kiểm tra độ xác thực và hợp pháp của các website thông qua cổng thông tin quản lý hoạt động thươngmại điện tử www.online.gov.vn thuộc Bộ Công thương. Tìm hiểu người bán qua Google. Người bán đàng hoàng thường để lại nhiều thông tin qua website. Người bán mập mờ chỉ để nick chat qua YH. Đọc kỹ thông tin chi tiết về sản phẩm, như mẫu mã, chất lượng, nhà sản xuất, xuất xứ hàng hóa, hướng dẫn sử dụng, chế độ bảo hành (đối với sản phẩm có bảo hành), quy định đổi trả lại hàng…Không nên tham hàng giá rẻ, vì có thể hàng đã qua sử dụng, hoặc hàng giả. Tốt nhất nên mua theo hình thức đặt hàng online, nhưng nhận hàng và thanh toán trực tiếp. Trường hợp thanh toán qua ngân hàng, khi chuyển khoản phải tìm hiểu đối tượng giao dịch có đứng tên tài khoản tại ngân hàng không, hay lại nhờ chuyển khoản qua tên người khác. Khi chưa kiểm chứng được thông tin, không nên quyết định MHTT. Cuối cùng luôn yêu cầu người bán cung cấp hóa đơn khi nhận hàng.

 

Theo Báo Người tiêu dùng

Tags: quyền người tiêu dùng mua sắm trực tuyến mua hàng thời hiện đại thương mại điện tử người tiêu dùng vinastas

Các bài viết khác