Thị trường

Bảo hành sản phẩm: Nhiều quyền lợi mà người tiêu dùng chưa biết!

9 năm trước

Doanh nghiệp sẽ bị phạt từ 5 đến 10 triệu đồng nếu không trả chi phí sữa chữa, vận chuyển hoàng hóa, linh kiện, phụ kiện đến nơi bảo hành và từ nơi bảo hành đến nơi cư trú của người tiêu dùng.

Bảo hành sản phẩm: Nhiều quyền lợi mà người tiêu dùng chưa biết!
Ông Đỗ Ngọc Chính, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Tư vấn Tiêu dùng (Cescon) - Ảnh: Huyền Trâm

"Với Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010, các doanh nghiệp và cả người tiêu dùng cần tìm hiểu và thực thi vào cuộc sống hàng ngày."

Ông Đỗ Ngọc Chính, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Tư vấn Tiêu dùng (Cescon) nhấn mạnh tại hội thảo về sự phát triển thị trường bán lẻ tại Việt Nam mới tổ chức tại TP.HCM.

Ở góc nhìn từ người tiêu dùng về trung tâm mua sắm và các loại hình bán lẻ hiện đại khác, ngoài những ưu điểm nổi bật về sự đa dạng mặt hàng, thông tin, giá cả rõ ràng… ông Chính đã chỉ ra những tồn tại thách thức đối với các loại hình này.

Khuyến mại như không

Theo đó, ông Chính cho rằng nhiều siêu thị mặc dù triển khai rầm rộ các chương trình khuyến mại nhưng thực tế khuyến mại như không, nhiều thông tin khuyến mại lập lờ, có tính chất đánh lừa người tiêu dùng. Không chỉ ít khuyến mại thực chất mà có siêu thị áp dụng các chiêu trò bán hàng giới hạn người mua.

Ông Chính đưa ra ví dụ, một siêu thị lớn tại Hà Nội, áp dụng khuyến mại giảm giá sâu theo kiểu mỗi ngày một món chứ không phải cùng lúc giảm giá nhiều mặt hàng thiết yếu.

“Nếu muốn mua hàng giảm giá thì khách hàng đành phải đi siêu thị hàng ngày. Bên cạnh đấy siêu thị còn giới hạn việc mua hàng khuyến mại bằng cách quy định chỉ áp dụng với hóa đơn thanh toán có giá trị nhất định, người tiêu dùng mới có quyền mua một mặt hàng nào đó”, ông Chính dẫn giải.

Ngoài ra, theo ông Chính còn là tình trạng “làm nghèo” đất nước khi có siêu thị từ Châu Âu không đóng thuế thu nhập doanh nghiệp dù đã hoạt động hàng chục năm tại thị trường Việt Nam.

Hay còn là tình trạng thiếu niềm tin với người tiêu dùng ở một số mặt hàng thời gian qua đã bị phát hiện là hàng giả, hàng lậu, kém chất lượng. Cụ thể, có trường hợp siêu thị M. bị tình nghi bán hàng lậu, sau đó đã bị cơ quan quản lý thị trường phát hiện 167 chai rượu ngoại nhập lậu được dán tem nhập khẩu sai series, hơn 800 chai khác có tem nhập khẩu rách rời, cũ nát cũng bị nghi nhập khẩu.

Ngoài ra còn có rượu ngoại đủ loại được bảo quản trong các thùng các tông bánh quy, trái cây, bột giặt. Tất cả đã bị thu giữ, xử lý bởi phía siêu thị không đưa ra được chứng từ, hóa đơn chứng minh nguồn gốc…

Người tiêu dùng cần biết tự bảo vệ mình

Ông Chính cho rằng, các loại hình bán lẻ hiện đại cần phát huy những mặt tốt của mình và khắc phục những tồn tại. Đặt biệt với Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010, các doanh nghiệp và cả người tiêu dùng cần tìm hiểu, thực thi vào cuộc sống hàng ngày.

Ông Chính viện dẫn một số điểm mà cả doanh nghiệp lẫn người tiêu dùng cần lưu ý. Chẳng hạn về trách nhiệm bảo hành sản phẩm, ở đây đối với mặt hàng điện thoại di động, tivi, xe máy… theo Nghị định 185/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Theo đó, ở Điều 75, doanh nghiệp sẽ bị phạt tiền từ 5 đến 10 triệu nếu vi phạm một trong những hành vi như không cung cấp cho người tiêu dùng giấy bảo hành, trong đó ghi rõ thời gian và điều kiện thực hiện bảo hành.

Doanh nghiệp cũng bị phạt nếu không cung cấp cho người tiêu dùng hàng hóa, linh kiện, phụ kiện tương tự để sử dụng tạm thời hoặc không có hình thức giải quyết khác được người tiêu dùng chấp nhận trong thời gian thực hiện bảo hành; Không thay đổi hàng hóa, linh kiện, phụ kiện mới tương tự hoặc thu đổi hàng hóa, linh kiện, phụ kiện và trả lại tiền cho người tiêu dùng trong trường hợp hết thời gian thực hiện bảo hành mà không sửa chữa được hoặc không khắc phục được lỗi…

Ngoài ra người tiêu dùng còn được trả chi phí sữa chữa, vận chuyển hoàng hóa, linh kiện, phụ kiện đến nơi bảo hành và từ nơi bảo hành đến nơi cư trú của người tiêu dùng. Nếu doanh nghiệp vi phạm cũng bị xử phạt với cùng mức phạt như trên.

Thực tế cho thấy rất nhiều doanh nghiệp vẫn chưa thỏa mãn được người tiêu dùng khi thực hiện chính sách bảo hành, hậu mãi.

Bên cạnh những thông tin quyền lợi của người tiêu dùng về bảo hành sản phẩm, ông Chính còn dẫn giải các lưu ý với doanh nghiệp, người tiêu dùng về vệ sinh an toàn thực phẩm. Tuy nhiên theo vị này, chính người tiêu dùng nên tự trang bị cho mình những kiến thức cơ bản để trở thành người tiêu dùng thông minh.

Theo Bizlive.vn


Các bài viết khác