Thị trường

Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam: Làm gì để tránh hình thức

9 năm trước

 Vẫn còn hiện tượng DN gian lận thương mại, ảnh hưởng đến lòng tin của người tiêu dùng, giảm ý nghĩa thiết thực của Cuộc vận động.

Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam: Làm gì để tránh hình thức
Cuộc chuyển mình của DN

“Từ 15.740 tỷ đồng doanh thu nội địa năm 2010, đến năm 2013 đạt 20.800 tỷ đồng và chỉ trong 6 tháng đầu năm 2014 đã ước đạt 11.086 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2013”, đó là thông tin do ông Hoàng Vệ Dũng - Phó tổng giám đốc Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) cho biết tại Hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam diễn ra hôm 3/7.

Song, điều đáng quan tâm hơn, theo ông Dũng, là bên cạnh việc đưa ra các sản phẩm chất lượng cao, chiếm được sự tin tưởng của người tiêu dùng, Vinatex còn không ngừng mở rộng hệ thống phân phối sản phẩm trên toàn quốc, đem đến cho người tiêu dùng những địa điểm mua sắm tin cậy, an toàn và thuận tiện.

Năm 2013, tổng số cửa hàng, đại lý, điểm giới thiệu sản phẩm của các đơn vị thành viên Vinatex trên toàn quốc đạt 4.125 điểm, tăng 4% so với năm 2012 và dự kiến sẽ đạt 4.286 điểm trong năm 2014. Đặc biệt, thực hiện lộ trình phát triển mạng lưới phân phối và cũng nhằm mục tiêu nâng cao hiệu quả hoạt động đưa hàng dệt may Việt Nam về thị trường nông thôn, Tập đoàn đã lấy nòng cốt là Công ty TNHH MTV Thương mại Thời trang dệt may Việt Nam (Vinatexmart) để mở rộng hệ thống phân phối đến 28 tỉnh thành trong cả nước, kinh doanh hơn 60.000 mặt hàng với tỷ lệ 100% hàng Việt Nam.

Phó giám đốc Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh, bà Lê Ngọc Đào cho biết, trong 5 năm qua, thành phố đã chủ động thực hiện các giải pháp đồng bộ, quyết liệt hỗ trợ đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động. Bên cạnh việc chú trọng giải pháp tăng cường thông tin về sản phẩm, tuyên truyền, vận động sử dụng hàng Việt Nam, đồng thời có giải pháp kết nối DN với thị trường tiêu thụ thông qua các chương trình xúc tiến thương mại. Cùng với đó, thành phố còn hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DN, bao gồm: đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tổ chức các buổi “Đối thoại DN – Chính quyền thành phố” với sự tham gia của 42 đơn vị là các sở, ban, ngành, quận - huyện và hơn 3.000 DN thành viên.

Đồng thời với các giải pháp này, thành phố còn tổ chức chương trình “Kết nối NH – DN” nhằm hỗ trợ DN tiếp cận vốn ưu đãi, tháo gỡ khó khăn trước mắt cho các DN để tiếp tục khôi phục và phát triển sản xuất, kinh doanh. Từ năm 2013 đến nay, đã có 681 DN tham gia chương trình “Kết nối NH-DN” với tổng số vốn tín dụng lãi suất ưu đãi đã ký kết là 20.261 tỷ đồng. Ngoài ra, thành phố còn hỗ trợ lãi vay theo chương trình kích cầu, các hỗ trợ kỹ thuật nhằm giúp DN đầu tư đổi mới công nghệ…

Tổng kết Cuộc vận động, trong 5 năm qua, Sở Công Thương các tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương đã tổ chức được gần 2.000 đợt bán hàng về nông thôn với hơn 53.000 lượt DN tham gia, hơn 48.000 gian hàng, thu hút hơn 3 triệu lượt người dân địa phương tới tham quan mua sắm với doanh thu hơn 34,47 nghìn tỷ đồng. Cũng theo thống kê, từ khi thực hiện Cuộc vận động đến nay, Sở Công Thương của các địa phương đã tổ chức thực hiện được 1.875 hội chợ, triển lãm, thu hút 85.650 lượt DN tham gia với doanh thu bán hàng là khoảng 20.546 tỷ đồng. Bên cạnh đó, các sở cũng đã phối hợp theo dõi kết quả bán hàng nội địa của gần 3.000 hội chợ khác do các ngành và địa phương đứng ra tổ chức, thu hút hơn 990.474 nghìn lượt DN tham gia.

Còn một số DN lợi dụng Cuộc vận động

Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa cũng cho biết, đến thời điểm giữa năm 2014, Cuộc vận động triển khai được 5 năm đã mang lại những kết quả tích cực, tạo tiền đề để triển khai hiệu quả hơn trong những năm tiếp theo. Một xu hướng đáng mừng là tại nhiều địa phương, các mặt hàng dệt may, da giày do Việt Nam sản xuất đã chiếm được niềm tin về chất lượng của 80% người tiêu dùng. Nhóm hàng thực phẩm, rau quả có tới trên 58% người tiêu dùng ưa chuộng...

Trong hệ thống siêu thị của một số DN, hàng hoá sản xuất trong nước vẫn chiếm tỷ trọng từ 80 - 90%. Theo kết quả khảo sát gần đây của Công đoàn Ngành Công Thương, kể từ khi phát động Cuộc vận động, tỷ lệ nội địa hóa các sản phẩm đầu vào, nguyên liệu cũng như thiết bị, máy móc của các DN tăng bình quân 25%. “Tại các vùng nông thôn, người dân đã bắt đầu quen dùng và ưa chuộng hàng sản xuất trong nước”, bà Thoa dẫn chứng.

Tuy nhiên, quá trình thực hiện Cuộc vận động trong thực tiễn vẫn còn một số khó khăn, thách thức vì phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt của các sản phẩm nhập khẩu. Do đó, việc xây dựng và phát triển mở rộng hệ thống phân phối đòi hỏi phải có chiến lược bài bản và vốn đầu tư khá lớn. Điều này gây trở ngại cho các DNNVV của Việt Nam trong nỗ lực mở rộng thị trường.

Trong khi đó, việc hỗ trợ của một số bộ, ngành và địa phương còn chưa thực sự quyết liệt dẫn đến kết quả triển khai mạng phân phối chưa đạt hiệu quả cao, chưa tạo ra đột phá về cả nhận thức cũng như giúp tăng doanh thu tiêu thụ trên thị trường, đặc biệt là ở khu vực thành thị - nơi có sức mua lớn. Hoạt động tổ chức hội chợ, triển lãm trên địa bàn các tỉnh còn thể hiện nhiều hạn chế, chưa thu hút được các DN có thương hiệu mạnh tham gia, chưa kết nối được giữa sản xuất, phân phối và tiêu dùng.

Một điểm đặc biệt quan trọng là năng lực của một số DN nội địa còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng trong nước cả về số lượng, chất lượng, chủng loại và giá cả. Do đó, sản phẩm cuối cùng chưa cạnh tranh được với hàng ngoại nhập, đặc biệt là vật tư, thiết bị chuyên ngành phục vụ sản xuất. Nhiều nguyên vật liệu đầu vào phục vụ sản xuất còn phụ thuộc vào giá nhập khẩu dẫn đến giá thành sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam cao so với khu vực. Cá biệt, vẫn còn hiện tượng một số DN lợi dụng khuyến mãi để thực hiện hành vi gian lận thương mại, tiêu thụ các mặt hàng tồn, hàng cũ, hàng nhái, sắp hết hạn sử dụng làm ảnh hưởng đến lợi ích, lòng tin của người tiêu dùng, từ đó làm giảm đi ý nghĩa thiết thực của Cuộc vận động.

Theo báo ngân hàng

Các bài viết khác