Trung ương Hội

Ngày Quyền Người tiêu dùng Thế giới 15/3/2022: Tài chính kỹ thuật số công bằng

2 năm trước

Tổ chức Người tiêu dùng Quốc tế (CI) đã đưa ra chủ đề Ngày Quyền Người tiêu dùng Thế giới 15/3/2022 là “Tài chính kỹ thuật số công bằng” 

Ngày Quyền Người tiêu dùng Thế giới 15/3/2022: Tài chính kỹ thuật số công bằng

Hàng năm, phong trào người tiêu dùng kỷ niệm ngày 15 tháng 3 là Ngày Quyền của Người tiêu dùng Thế giới nhằm nâng cao nhận thức toàn cầu về các quyền và nhu cầu của người tiêu dùng. Được phát động vào năm 1983, Ngày Quyền của Người tiêu dùng Thế giới (Ngày QNTDTG) do Tổ chức Người tiêu dùng Quốc tế (CI) phối hợp tổ chức và được công nhận trên toàn thế giới.

Kỷ niệm ngày này là cơ hội để các yêu cầu về quyền của tất cả người tiêu dùng được tôn trọng và bảo vệ. Ngày kỷ niệm này là thời điểm để nâng cao nhận thức của Người tiêu dùng và thúc đẩy sự thay đổi có ý nghĩa và lâu dài đối với những thách thức cấp bách mà người tiêu dùng trên toàn thế giới đang phải đối mặt. Vào ngày này hằng năm, Tổ chức Người tiêu dùng Quốc tế (CI) kết nối và thu hút các Tổ chức thành viên từ trên 100 quốc gia trên thế giới xung quanh một chủ đề cốt lõi do CI đề xuất và hướng dẫn nội dung, gợi ý tổ chức các hoạt động xung quanh chủ đề này. Các tổ chức thành viên tổ chức các hoạt động riêng phù hợp với bối cảnh quốc gia của mình và liên kết các hoạt động của họ với hoạt động chung của Tổ chức Người tiêu dùng Quốc tế (CI) vào tuần lễ kỷ niệm ngày QNTDTG.

Năm nay, Tổ chức Người tiêu dùng Quốc tế (CI) đã đưa ra chủ đề Ngày QNTDTG 15/3 là “Tài chính kỹ thuật số công bằng” với nhiều hoạt động  liên quan, trong đó một seri 18  hội thảo trực tuyến với các nội dung đa dạng xung quanh chủ đề trên được tổ chức vào tuần lễ từ 14/3 đến 18/3/2022.

Sử dụng công nghệ kỹ thuật số để truy cập các dịch vụ tài chính (được gọi là Fintech) đang trở thành một việc hàng ngày đối với hàng triệu người trong chúng ta và được coi là một xu hướng ngày càng tăng trong cách chúng ta chi tiêu, gửi và tiết kiệm tiền. Giờ đây, mọi người có thể thanh toán hóa đơn, chuyển tiền và truy cập bảng sao kê ngân hàng của họ một cách dễ dàng bằng máy tính hoặc điện thoại di động của mình.

Các dịch vụ tài chính kỹ thuật số (DFS) và Công nghệ tài chính đã thúc đẩy những thay đổi đáng kể trên toàn thế giới, cụ thể:

● Người tiêu dùng sử dụng dịch vụ ngân hàng kỹ thuật số dự kiến ​​sẽ vượt quá 3,6 tỷ người vào năm 2024. (Juniper Research, 2020)

● Ở các nước đang phát triển, tỷ lệ chủ tài khoản gửi và nhận thanh toán kỹ thuật số đã tăng từ 57% năm 2014 lên 70% năm 2017 (Findex 2017)

● 39% công ty đang ưu tiên cao việc áp dụng fintech, làm nổi bật nhu cầu trên toàn thế giới về một bối cảnh tài chính sáng tạo hơn (JDSpura, 2020)

Các sản phẩm và dịch vụ dựa trên công nghệ mang lại cơ hội mới cho những người tiêu dùng dễ bị tổn thương hoặc không được phục vụ, nơi trước đây việc tiếp cận các dịch vụ tài chính bị hạn chế. Các công nghệ kỹ thuật số đang định hình lại các khoản thanh toán, cho vay, bảo hiểm và quản lý tài sản ở khắp mọi nơi - một quá trình mà đại dịch COVID-19 đã thúc đẩy sự tăng tốc. Trong Tạp chí EY “Chỉ số chấp nhận Fintech toàn cầu” năm 2019, người ta đã phát hiện ra rằng chỉ 4% người tiêu dùng trên toàn thế giới chưa nghe nói về một số hình thức chuyển tiền hoặc dịch vụ thanh toán fintech.Tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng của công nghệ số cũng có thể đem lại những bất cập do đa số người tiêu dùng khó có thể bắt kịp với sự phát triển này. Nhiều ý kiến cho rằng hiện các cơ chế bảo vệ người tiêu dùng trong các dịch vụ tài chính đang bị lấn át bởi sự phát triển của các dịch vụ ngân hàng số và các công nghệ liên quan.

Bản chất phát triển nhanh chóng của các dịch vụ tài chính kỹ thuật số đôi khi để lại thị trường với các quy định và chính sách không hiệu quả, việc bồi thường cho người tiêu dùng không đạt yêu cầu và hệ sinh thái kỹ thuật số không thể theo kịp. Những thách thức này khiến người tiêu dùng phải đối mặt với những rủi ro truyền thống và rủi ro mới. Các phương pháp tiếp cận quản lý sáng tạo và các dịch vụ tài chính kỹ thuật số dựa trên cơ sở bảo vệ người tiêu dùng và trao quyền có thể tạo ra một thị trường tài chính kỹ thuật số công bằng.

Ngày QNTDTG năm nay được gắn với việc khởi động để triển khai một dự án mới do CI chủ trì với sự tham gia của các thành viên kéo dài nhiều năm với tên gọi là “Fair Digital Finance Accelerator” (Tăng tốc tài chính kỹ thuật số công bằng). Đây là một dự án nhằm mục đích tăng nhanh số lượng các dịch vụ và chính sách tài chính kỹ thuật số công bằng, an toàn và bền vững thông qua việc huy động một môi trường pháp lý tập trung hơn vào người tiêu dùng. Về cốt lõi, dự án sẽ là một mạng lưới toàn cầu đáp ứng các nhu cầu cụ thể và nâng cao vị thế của phong trào tiêu dùng ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình. Dự án sẽ thực hiện trong ba năm, với mục đích tạo ra một mạng lưới có thể duy trì lâu dài sau thời điểm này, đóng vai trò như một cơ chế dẫn dắt tư duy trong không gian dịch vụ tài chính kỹ thuật số và tiếp tục đại diện cho người tiêu dùng ở khắp mọi nơi.

                                                                                                                               VINASTAQ

 

 


Đóng góp & Phản hồi bài viết:

Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu để được rõ nghĩa hơn.

Các bài viết khác