Trung ương Hội

Một số thông tin liên quan đến Chương trình khảo sát nước mắm

7 năm trước

Sau khi Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (VINASTAS) công bố kết quả khảo sát nước mắm vào ngày 17/10/2016,  đến nay các phương tiện thông tin đại chúng đã đăng tải nhiều ý kiến của các bên có liên quan về vấn đề này.

Một số thông tin liên quan đến Chương trình khảo sát nước mắm

Để hiểu chính xác, khách quan và rõ ràng về đợt khảo sát này VINASTAS  thông tin một số nội dung  dưới đây liên quan đến Chương  trình khảo sát nước mắm.

 Chương trình khảo sát nước mắm đã được VINASTAS đưa vào kế hoạch của năm 2015 và 2016 với các bước cụ thể. Chương trình khởi đầu bằng khảo sát sơ bộ (khảo sát đợt 1) tình hình mua bán nước mắm trên thị trường TP. Hồ Chí Minh – (Xem báo cáo khảo sát 1); Tập hợp các tài liệu, thông tin thứ cấp có liên quan đến nước mắm; Tìm hiểu các Văn bản tiêu chuẩn, quy chuẩn có liên quan đến chất lượng nước mắm. (Xem danh mục các văn bản có liên quan).

Thực hiện chủ đề “An toàn thực phẩm cho Người tiêu dùng” phát động nhân ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam và Thế giới 15/3/2016, xử lý các thông tin của đợt khảo sát 1, VINASTAS đã và xây dựng đề cương và triển khai Chương trình khảo sát “Chỉ tiêu dinh dưỡng và an toàn của các nhãn hiệu nước mắm trong toàn quốc” (khảo sát đợt 2) với các nội dung như sau:

-       Khảo sát một số  chỉ tiêu hóa học và an toàn của nước mắm, công bố rộng rãi kết quả nhằm tăng cường sự hiểu biết cho người tiêu dùng Việt Nam về chất lượng, các thành phần hóa học và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm của các loại nước mắm đang lưu thông trên thị trường , đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng trong nước;

-       Góp thêm tiếng nói để thúc đẩy sự phát triển của các thương hiệu nước mắm Việt; Xác nhận các doanh nghiệp kinh doanh chân chính, tin cậy.

-       Đưa ra được các kiến nghị cho nhà nước trong việc tăng cường công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực nước mắm.

-       Khẳng định vai trò của Hội trong các hoạt động chuyên môn, vị trí tiên phong trong vai trò bảo vệ người tiêu dùng.

          Nội dung kết quả  khảo sát được nêu trong các Báo cáo khảo sát nước mắmBảo cáo kết quả khảo sát an toàn thực phẩm nước mắm.

         

          Về Kết quả thử nghiệm Arsen trong nước mắm

          Thông tin về nước mắm có Arsen và  hàm lượng arsen càng cao đối với nước mắm có độ đạm càng cao đã được các báo đăng tải nhiều trong thời gian vừa qua. Tuy nhiên trong thời gian đó cũng không có bất cứ ý kiến nào giải thích rõ về thực chất của việc nước mắm có chứa arsen và bản chất của arsen trong nước mắm độc hại như thế nào. Để làm rõ  vấn đề này VINASTAS quyết định thử nghiệm hàm lượng arsen có trong các mẫu nước mắm khảo sát. Kết quả cho thấy đúng  là trong gần 67 %  mẫu  nước mắm khảo sát  có  chứa arsen tổng vượt mức quy định trong QCVN 8-2:2011:BYT . Bên cạnh đó, số liệu thử nghiệm cũng cho thấy đúng là nước mắm có độ đạm càng cao thì tỷ lệ  mẫu có arsen tổng càng cao. Tuy nhiên kết quả thử nghiệm  này mới chỉ thông tin về  tổng hàm lượng arsen tức là bao gồm cả arsen hữu cơ và arsen vô cơ, trong đó đặc biệt là  arsen vô cơ có tính độc hại cao, ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng.  Chính vì vậy VINASTAS tiến hành thử nghiệm  tiếp hàm lượng  arsen vô cơ trong 20 mẫu khảo sát có hàm lượng arsen tổng vượt  mức quy định. Kết quả cho thấy cả 20 mẫu đều không phát hiện có arsen vô cơ  với giới hạn phát hiện là 0,01 mg/L. Với kết quả thử nghiệm sơ bộ này có thể đưa ra nhận xét là trong các mẫu nước mắm mà VINASTAS mua trên thị trường để  khảo sát có  tới gần 67 % sô mẫu  có chứa arsen tổng cao hơn mức quy định của Bộ Y Tế, song  chưa phát hiện thấy có arsen vô cơ là chất gây độc hại cho người tiêu dùng. Vì vậy nếu bình tĩnh đọc kỹ  thông tin do VINASTAS đưa ra thì chưa có vấn đề gì phải lo lắng như các thông tin báo chí phản ánh trong thời gian qua. Đây cũng là cơ hội đưa vấn đề này ra để các cơ quan quản lý, các nhà khoa học có ý kiến trả lời, phân tích  chính thức về  tính độc hại của arsen trong nước mắm, giúp cho người tiêu dùng hiểu hơn về bản chất sản phẩm và quyết định việc sử dụng nước mắm cho gia đinh mình.

          Trong báo cáo của VINASTAS chỉ nêu ra  thực trạng  chung về mức độ ô nhiễm arsen tồng trong nước mắm mà  không nêu tên của  bất kỳ  một loại nước mắm nào, hoặc đưa ra một chỉ  định  cụ thể của công nghệ chế biến  hay xuất xứ địa lý của cơ sở sản xuất nước mắm nào.

          Kết quả khảo sát trên cũng sẽ là cơ sở tham khảo quan trọng để Bộ Y tế xem xét và quy định lại mức  giới hạn tối đa cho phép arsen tổng trong  sản phẩm nước mắm cho đúng với bản chất nguyên liệu,  công nghệ, tập quán sử dụng loại phụ gia này và đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng nước mắm. Hiện tại Bộ Y tế đã ban hành QCVN 8-2: 2011 về  “Giới hạn ô nhiễm hóa học trong thực phẩm”, theo đó quy định mức giới hạn tối đa cho phép arsen trong nước chấm là 1,0 mg/L  (theo quy định trong CODEX STAN  193:1995: khi nói đến arsen mà không chỉ rõ loại arsen gì thì  hiểu đó là arsen tổng) và  lượng ăn vào hàng  tuần có thể chấp nhận được (Provisional Tolerable Weekly Intake - PTWI) là 0,015 mg/kg thể trọng (tính theo arsen vô cơ).

 

Một số nội dung  khác

           Một nội dung cũng không kém phần quan trọng trong báo cáo của VINASTAS là Hàm lượng nitơ toàn phần của 51% mẫu khảo sát có mức độ chênh lệch giữa hàm lượng công bố trên nhãn và kết quả thử nghiệm khá lớn- từ 5% đến trên 50%.   Hiện tại, Hàm lượng nitơ toàn phần đang được sử dụng làm cơ sở chủ yếu để tính giá thành sản phẩm nước mắm. Như vậy với kết quả của các mẫu khảo sát này cho thấy mỗi năm người tiêu dùng phải chi ra hàng ngàn tỷ để mua giá trị ảo của nước mắm. Tuy nhiên  từ sau khi công bố kết quả khảo sát  đến nay không thấy các phương tiện thông và cơ quan quản lý đề cập đến sự thiệt hại này của người tiêu dùng. Có lẽ mọi người đã quen với việc người tiêu dùng luôn phải chịu thiệt thòi nên việc này cũng ”bình thường” thôi.

          Đây là chương trình khảo sát của người tiêu dùng  nên mẫu được mua bất kỳ trên thị trường như người tiêu dùng  bình thường. Kết quả khảo sát được công bố để thông tin, cảnh báo cho người tiêu dùng về hàng hóa và dịch vụ và chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc thông tin cảnh báo của mình; kiến nghị cơ quan  nhà nước có thẩm quyền xử lý vi phạm pháp luật  về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Nội dung này được quy định  trong Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại Điều 28 về “ Nội dung tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của tổ chức xã hội”

          Chương trình khảo sát này không phải là một đề tài nghiên cứu khoa học nên chúng tôi không tiến hành các thủ tục quy định cho một đề tài nghiên cứu khoa học như một số ý kiến phát biểu trên các báo, đài.

          Tuy nhiên, theo đúng trình tự, sau khi có kết quả khảo sát chúng tôi đã  trực  tiếp gặp và thông tin về các kết quả khảo sát này cho các cơ quan quản lý  an toàn, chất lượng của Bộ Y tế, Bộ NNPTNT và nhận được sự ủng hộ của các cơ quan này.

          Báo cáo khảo sát cũng đã được gửi tới các cơ quan: Văn phòng Chính phủ, Bộ Nông Nghiệp Phát triển Nông thôn, Bộ Y tế, Bộ Công Thương, Bộ Khoa học Công Nghệ, Liên hiệp Khoa học Kỹ Thuật Việt Nam, Cục Quản lý Chất lượng Nông Lâm Thủy sản,Bộ NN&PTNT, Cục An toàn thực phẩm-Bộ Y tế, Cục Quản lý Cạnh Tranh và Cục Quản lý Thị trường – Bộ Công Thương, Tổng Cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Bộ KH&CN. /.

 

Báo cáo nước mắm

 

Đề cương khảo sát

 

Báo cáo kết khảo sát

 

Phục lục 1

 

Phục lục 2

 

 

 

 

 

 

Tags: nuoc mam

Các bài viết khác